Nét đẹp văn hóa các phiên chợ quê

Khi nói đến văn hoá làng xã, không thể không nhắc tới phiên chợ quê truyền thống. Ở tỉnh ta phiên chợ quê, từ lâu đã trở thành hình ảnh rất đỗi bình dị và quen thuộc trong cuộc sống thường ngày của người dân ở các vùng nông thôn. Cũng từ đây, những đặc điểm về kinh tế, phong tục tập quán, sinh hoạt cộng đồng, phong cách ứng xử, lời ăn tiếng nói của người dân được hình thành và phát triển. Ngày nay, hình ảnh phiên chợ quê gắn liền với những nét đẹp văn hoá, điều kiện kinh tế của từng vùng miền vẫn đang được gìn giữ và phát huy.

Huyện Nghĩa Hưng là địa phương có nhiều chợ quê truyền thống. Tiêu biểu như: Chợ Đào Khê (xã Nghĩa Châu), chợ Xuân (Thị trấn Liễu Đề), chợ Tất niên (Thị trấn Quỹ Nhất), chợ Nghĩa Bình, chợ Nghĩa Hải… Xã Hải Lạng, huyện Đại An xưa (nay là xã Nghĩa Thịnh, huyện Nghĩa Hưng) là vùng đất cổ. Từ thế kỷ XIII, mảnh đất “Ba bề là sông, một bề là biển” này đã trở thành trung tâm kinh tế, văn hoá của huyện Nghĩa Hưng. Đầu thế kỷ XIV khi dòng sông Đào trở thành tuyến giao thông Bắc - Nam quan trọng, một bộ phận dân cư Hải Lạng đã chuyển từ nghề nông sang buôn bán dịch vụ và thành lập nên 3 đình chợ lớn mang tên là chợ Hải Lạng. Chợ Hải Lạng họp phiên chính vào các ngày 1, 4, 7, 11, 14, 17, 21, 24, 27 hằng tháng, buôn bán nhiều mặt hàng như: tạp hoá, gạo, ngô, thuốc bắc, rượu, muối… Ngày nay, chợ Hải Lạng không còn đông đúc, sầm uất với quy mô lớn như xưa nhưng vẫn được nhân dân duy trì mở họp vào tất cả các ngày trong tháng phục vụ nhu cầu trao đổi các mặt hàng nông sản và ăn uống cho nhân dân.

Những ai có dịp đến xã Nghĩa Châu đều rất ấn tượng với quang cảnh chợ Đào Khê. Ngoài những nhu yếu phẩm hằng ngày như: rau, gạo, thịt thì sản phẩm nón lá là “đặc sản” được bày bán rất nhiều tại chợ. Theo thống kê, toàn xã có tới 70% hộ dân tham gia làm nghề nón. Trong đó, thôn Đào Khê Thượng và thôn Đào Khê Hạ có số hộ làm nón nhiều nhất. Trước kia chợ chỉ bán nón thành phẩm và các nguyên, phụ liệu để chế tạo nón như: tre, nan, mo nang, lá cọ, chỉ cước... Ngày nay, chợ vẫn bán những nguyên liệu gốc và cả nguyên liệu đã được chế biến sẵn để làm nón và nón đã thành phẩm. Chợ còn cung cấp nguyên liệu cho một số xã khác trong khu vực cũng làm nón như: xã Hoàng Nam, xã Nghĩa Minh, xã Nghĩa Thái… Ở Thị trấn Quỹ Nhất, suốt mấy mươi năm qua, những phiên chợ quê truyền thống ở địa phương vẫn được chính quyền và nhân dân trong thị trấn duy trì. Trong đó phải kể đến phiên chợ Tất niên họp từ ngày 24 đến ngày 30 tháng chạp hằng năm thu hút 70% hộ dân tham gia bán hàng tại chợ. Ngoài ra, 12 xã miền hạ huyện Nghĩa Hưng và các huyện có các làng nghề truyền thống như: Hải Hậu, Ý Yên, Nam Trực cũng đổ về bán và giới thiệu sản phẩm. Hàng hóa ở chợ được bày bán vô cùng phong phú với các mặt hàng cần thiết trong dịp cuối năm như: hoa quả, bánh kẹo, quần áo, nông cụ, cây cảnh… Ngoài ra, các sản phẩm: rượu gạo, chiếu cói, thảm đay mang thương hiệu Kim Sơn (Ninh Bình); măng nứa, măng tre, mật ong, khoai ráy, rong riềng từ các tỉnh miền núi phía Bắc hay dưa hấu, dừa xiêm mang đặc trưng của các tỉnh miền Nam cũng góp mặt tại phiên chợ.

Phiên chợ quê làng Dịch Diệp, Trực Chính, Trực Ninh - Nam Định

Ở huyện Giao Thuỷ, mỗi phiên chợ quê đều có những đặc điểm riêng biệt gắn với nền kinh tế đánh bắt hải sản. Tiêu biểu như: chợ Bể (xã Giao Nhân), chợ Bến (xã Giao Phong), chợ Đại Đồng (xã Giao Lạc)… Chợ Bể, xã Giao Nhân là một trong nhiều chợ của huyện được hình thành từ khá sớm (khoảng thế kỷ XVI). Đã trở thành quy định, một tháng chợ chỉ họp 6 buổi sáng các ngày: 4, 8, 14, 18, 24, 28 âm lịch. Với tổng diện tích gần 4 mẫu, Ban quản lý chợ đã bố trí sắp xếp các mặt hàng theo từng khu vực tiện cho cả người mua và người bán. Việc mua bán trao đổi hàng hoá khá nhộn nhịp với nhiều sản phẩm vùng miền khác nhau. Do đặc thù về mặt địa lý “trên bến dưới thuyền” nên sản phẩm được bán nhiều nhất tại chợ Bể chủ yếu là: cá, ghẹ. tôm, mực, sò, ngao… Các sản phẩm thủ công như: chiếu, nón, cây cảnh, cây thế… cũng rất phong phú, đa dạng. Trong đó, sản phẩm được nhiều người quan tâm nhất là: cây hoa, cây giống, cây ghép các loại… Các cây chanh, quất giống được bán với giá từ 15-25 nghìn đồng/cây, hoa hồng nhung, hồng tỷ muội có giá từ 20-40 nghìn đồng/cây. Ở chợ, mặt hàng chiếu cói và nón lá với các sản phẩm: chiếu cói trắng, chiếu in hoa, chiếu đậu, chiếu chiêm, nón 1 lớp, nón 2 lớp, nón thêu, nón in… được bày bán ở hàng chục gian hàng. Chiếu và nón được nhiều người chọn mua nhất là các thương hiệu như: chiếu cói, nón lá Nga Sơn (Thanh Hóa), nón lá (Huế), chiếu Đậu (Thái Bình, Ninh Bình) và một số sản phẩm làng nghề của các huyện Xuân Trường, Hải Hậu. Các sản phẩm đều có giá bán hợp lý, trung bình từ 150-500 nghìn đồng/đôi chiếu, 30-70 nghìn đồng/chiếc nón. Ngoài ra, các mặt hàng nông sản như: rau, củ, quả, gia súc, gia cầm, quần áo, vải vóc; mặt hàng kim khí như: dao, kéo, liềm, cuốc, xẻng cũng được bày bán phong phú và được đưa về tại những vùng sản xuất nổi tiếng trong và ngoài huyện.

Ở huyện Hải Hậu, thông thường mỗi xã đều có ít nhất một chợ nhỏ, vài xã có một chợ lớn thường họp theo phiên gọi là chợ huyện. Tiêu biểu như: chợ Đông Biên (xã Hải Bắc) họp vào ngày mồng 5 và mồng 9 âm lịch, chợ Quán (xã Hải Hà) họp vào ngày mồng 3 và mồng 7 âm lịch, chợ Cồn (Thị trấn Cồn) họp vào các ngày chẵn trong tháng, chợ Thượng Trại (xã Hải Phú) họp vào các ngày lẻ trong tháng...

Ở các huyện Trực Ninh, Xuân Trường, các phiên chợ quê thường gắn liền với những ngôi làng cổ có lịch sử tồn tại hàng thế kỷ như: chợ làng Dịch Diệp, Cự Trữ, Cổ Lễ (Trực Ninh); chợ làng Hành Thiện, Kiên Lao (Xuân Trường)… Thời gian đầu chỉ là những phiên họp nhỏ với ít người trong vùng, hàng hóa chủ yếu là tại các địa phương lân cận mang về trao đổi, buôn bán, dần dần người dân đã đa dạng hoá các mặt hàng “tự cung tự cấp” đáp ứng với nhu cầu phục vụ đời sống cộng đồng. Hình ảnh đông đúc, tấp nập của các phiên chợ quê ẩn mình sau những luỹ tre làng, cổng làng, cây cầu, mái đình, nếp nhà cổ kính cùng những quán cóc dưới gốc đa, gốc gạo đã ăn sâu vào tiềm thức, tâm hồn của người dân. Như một bức tranh xã hội thu nhỏ, các phiên chợ của mỗi vùng quê ngoài thực hiện vai trò chính là nơi giao thương thì còn là nơi gặp gỡ, hỏi thăm sức khoẻ, trao đổi, lan truyền thông tin của người dân nông thôn góp phần thắt chặt tình làng, nghĩa xóm, tình cảm con người.

Trong cuộc sống hiện đại hôm nay, nhiều trung tâm thương mại, siêu thị mọc lên san sát, có quy mô lớn, hình ảnh phiên chợ quê truyền thống đang dần bị thay thế. Tìm về không gian của những phiên chợ không còn là thói quen của nhiều người, nét đặc trưng văn hóa vùng miền cũng không còn được thể hiện rõ nét ở những phiên chợ hiện đại. Nhưng có lẽ, đối với những người dân quê, phiên chợ quê vẫn là một phần không thể thiếu trong đời sống văn hóa với những hình ảnh mộc mạc, gần gũi, thân quen và là nơi lưu giữ nét đẹp văn hóa của vùng miền cần được bảo tồn và phát huy./.

Bài và ảnh - Khánh Dũng
Báo Nam Định
Share:

0 nhận xét:

Đăng nhận xét