Để Đà Lạt trở thành đô thị di sản

(LĐ online) - “Đô thị di sản” là một khái niệm mới ở Việt Nam. Dù Luật Di sản văn hóa chưa từng đề cập, nhưng từ lâu khi nói đến vấn đề này, người ta thường nghĩ đến những đô thị được bảo tồn một cách có hệ thống các giá trị văn hóa vật thể và phi vật thể ghi nhận sự nhắc nhớ sâu sắc về lịch sử. Cũng như Huế - kinh đô của triều đình phong kiến Việt Nam cuối cùng và Hội An - phố thị phát triển trên nền thương cảng cổ, Đà Lạt được coi là đô thị mang phong cách thuần Pháp được kiến tạo trong thời thuộc địa. Trong tương lai, Đà Lạt có được xác lập là đô thị di sản hay không, còn nhiều nội dung cần bàn. Trong bài viết này, chúng tôi chỉ xin phác thảo đôi nét về những giá trị mang màu sắc hoài niệm của một nơi chốn mà thường gợi cho những ai yêu mến một niềm hoài nhớ…



Trường Cao đẳng Sư phạm Đà Lạt (trước kia là Trường Grand Lycée Yersin) là kiến trúc được Hội Kiến trúc sư thế giới công nhận là một trong số 1.000 công trình xây dựng độc đáo của thế giới trong thế kỷ 20. Từ năm 2001, Trường Cao đẳng Sư phạm Đà Lạt được Bộ Văn hóa Thông tin công nhận là di tích cấp quốc gia. Ảnh: Phan Tấn Đạt

Lịch sử của mỗi đô thị khác nhau ở cách mà nó ra đời. Nhiều thành phố ở Việt Nam sinh thành và phát triển theo lộ trình “từ làng lên phố”, Đà Lạt thì khác, ngay từ đầu đã được kiến tạo bởi ý tưởng về một đô thị xác định rõ công năng với sự hoạch định quy mô, quy hoạch, kiến trúc bài bản. Đô thị này được hình thành dựa trên yếu tố tiên quyết là tài nguyên thiên nhiên, với núi rừng hùng vĩ, bầu khí hậu mát mẻ, một ốc đảo khác biệt giữa vùng nhiệt đới.

Từ đó, Đà Lạt được xác định từ đầu và xuyên suốt là một thành phố phục vụ nghỉ mát, nghỉ dưỡng. Người Pháp cũng muốn và đã tạo nên một phố thị mang dáng dấp châu Âu giữa vùng Á Đông nhằm giúp những người da trắng thực dân khuây khỏa phần nào nỗi nhớ “mẫu quốc”. Điều đó đã quyết định hình thái cấu trúc không gian, thể loại và kiến trúc đô thị. Là tác phẩm của các kiến trúc sư lừng danh, những người mang khát vọng kiến tạo, thành phố này được quy hoạch chi tiết và qua các thời kỳ, những bản quy hoạch được điều chỉnh và tôn trọng. Các viên Toàn quyền Đông Dương như Paul Doumer, Jean Baea, Albert Sarraut hay Jean Decoux… dù là phục vụ cho mục đích cai trị nhưng cũng đã góp sức ban những kế hoạch quan trọng trong việc phát triển Đà Lạt trong thời kỳ đầu; từ đó, đã tạo nên diện mạo của một đô thị “có một không hai” ở xứ nhiệt đới Việt Nam…

Như mẫu mực về cách kiến tạo ra một đô thị độc đáo ở vùng Viễn Đông, Đà Lạt được gọi với nhiều mỹ danh như “vương quốc hoa”, “thành phố mộng mơ”, “thành phố trong rừng”…, không gian ấy là không gian đa tình, đa tâm trạng. Có lẽ là thông và hoa, là sương lãng đãng trên đồi cao lũng thấp, là dòng suối trong xanh, mặt hồ gợn sóng hay bầu khí hậu nhuốm vẻ u hoài đã tạo nên những cảm xúc ấy. Trên nền tảng thiên nhiên mộng mơ đó, con người đã “nương theo” để kiến tạo một cách hòa hợp và dựng lên linh hồn của thành phố bằng giá trị kiến trúc. Để xây dựng Đà Lạt, Toàn quyền Paul Dumer và các nhà cai trị khác đã huy động nhiều nhà quy hoạch, giám sát mọi hoạt động. Họ muốn Đà Lạt là một thành phố toàn vẹn, phù hợp với dáng dấp một đô thị vùng cao. Vào năm 1921, kiến trúc sư người Pháp nổi tiếng thế giới Ernést Hébrard được giao nhiệm vụ thiết lập đồ án quy hoạch Đà Lạt. Thực hiện ý đồ của nhà cầm quyền đương thời là xây dựng Đà Lạt thành thủ phủ của Đông Dương, tư tưởng chủ đạo của kiến trúc sư này là tập trung vùng cư dân quanh các hồ. Theo đó, có các khu hành chính, quân sự, bệnh viện, trường học, thao trường, đồn điền, khu nhà ở của người Âu, khu nhà ở của người Việt, khu phát triển cho người Pháp, khu an dưỡng, khu chợ… Sau Hébrard, còn có thêm đồ án của các kiến trúc sư Louis G.P.Pino (1933), Mondet (1940) rồi J.Lagisquet (1942). Đặc điểm chung của các đồ án trên là tôn trọng thiên nhiên, cố gắng duy trì vẻ đẹp của cảnh quan. Và như vậy, từ một vùng rừng núi hoang dã, nhiều kiến trúc sư nổi tiếng thế giới thời đó đã thổi vào vùng đất này một linh hồn bằng hệ thống các công trình đạt đến độ hoàn mỹ, hoàn thiện.




Nhà thờ Chính toà Đà Lạt (nhiều người gọi là Nhà thờ Con Gà) nằm trên trục đường Trần Phú. Đây là một trong những công trình kiến trúc tiêu biểu và cổ xưa nhất của thành phố Đà Lạt do người Pháp để lại. Ảnh: Chính Thành

Đến nay, giới chuyên môn nhận định, có một “bảo tàng” kiến trúc Pháp tại Đà Lạt, quả là không nói quá. Từ ngôi nhà tranh đầu tiên, đến 10 ngôi nhà gỗ theo kiểu vùng miền núi nước Pháp, năm 1930, Đà Lạt đã có đến 398 ngôi biệt thự đồ sộ bằng bê tông cốt thép. Đến năm 1949, toàn thành phố đã có trên 1500 công trình, trong đó có hơn 1000 biệt thự, dinh thự, trường học, nhà ga, thánh đường được xem là mẫu hình tiêu biểu của nền kiến trúc Pháp cuối thế kỷ 19. Điều độc đáo là không có biệt thự nào giống biệt thự nào, mỗi công trình là một tác phẩm kiến trúc hoàn mỹ, hoàn thiện. Qua thăng trầm lịch sử, dù có rất nhiều công trình mới ra đời nhưng những công trình xây dựng buổi đầu vẫn không thể lẫn vào đâu được. Đặc điểm chung: Nhà - biệt thự, dinh thự và các công trình công cộng luôn có vườn hoa, cách xa nhau, có tầm nhìn rất thoáng và hướng đẹp, nhìn ra rừng thông. Các công trình kiến trúc ẩn mình giữa đồi thông và chiều cao của công trình không vượt quá ba tầng bởi không muốn che khuất rừng cây và không gian đô thị…

Di sản kiến trúc phối cảnh giữa thiên nhiên Đà Lạt mang dáng nét kiêu sa quyến rũ. Nét kiêu sa ấy phảng phất từ không gian khoáng đạt, từ bầu khí hậu và cả từ tâm tính hiền hòa của con người. Trong một lần tiếp xúc lúc còn sinh thời, KTS Ngô Viết Thụ, người từng đạt giải Khôi nguyên La Mã đã nói với tôi: Nhà không thấy trọn, núi không thấy trọn, cảnh luôn ảo huyền. Thiên nhiên Đà Lạt thanh thoát và uyển chuyển, núi nặng mà thấy nhẹ. Thiên nhiên ấy phảng phất như nét vẽ thủy mặc, nét kiêu sa của nghệ thuật Á Đông. Quan điểm của tôi về sự tham gia của con người đối với Đà Lạt là kiến trúc phải đi theo thiên nhiên, không được phá vỡ bố cục của Tạo Hóa.” Không gian Đà Lạt đã tạo nên và sở hữu một nỗi buồn trong lành. Dáng nét ảo huyền phảng phất ngay chính trên cái nền buồn lãng đãng mà KTS Hoàng Đạo Kính đã không ngần ngại dành cho hai chữ “đặc sản”. Đó là nỗi buồn sang trọng, đầy mỹ cảm được sinh thành từ cuộc hôn phối giữa thiên nhiên và bàn tay kiến tạo của con người…

Thế nhưng, những cảm nhận về phố núi đang có những diễn tiến thay đổi theo thời gian. Rất tiếc, lại là những cảnh báo lo ngại về một Đà Lạt đang phát triển theo một lề lối rất khó kiểm soát. KTS Ngô Viết Nam Sơn khái quát về thực trạng hiện thời: “Quy mô của đô thị, độ mở rộng của nó cả chiều ngang, mật độ, khối tích, chiều cao… trở nên thách thức tế bào đô thị cũ và tạo nên sự thiếu gắn kết về không gian, đường nét, kiến trúc và cả về giao thông, thách thức sự cân bằng”. Quả đúng vậy, trong vòng vài thập niên qua, Đà Lạt phát triển rất nhanh nhưng phần lớn lại mang tính tự phát, trái ngược với sự phát triển nhanh mà thuận theo quy hoạch. Ở góc độ vi mô, các công trình cũ đang bị xây chèn, xen cấy nhiều công trình to và xa lạ, làm tăng mật độ sử dụng đất, giảm cây xanh, nhiều chỗ san ủi biến dạng địa hình. Qũy kiến trúc đô thị cũ bị đe dọa nghiêm trọng. “Đà Lạt đang sở hữu một quỹ di sản đô thị và kiến trúc tập trung khá đồ sộ và cực kỳ quý giá nhưng nếu để sự xô bồ tràn lên, lấn át và thay thế sẽ là sự sai lầm đáng tiếc” - đó là lời cảnh báo của TS-KTS Đỗ Hữu Phú (Đại học Kiến trúc Hà Nội)…



Nhà ga Đà Lạt được công nhận là di tích lịch sử văn hoá Quốc gia. Nhiều năm nay, Nhà ga là điểm tham quan du lịch hấp dẫn của TP Đà Lạt. Tuyến đường sắt duy nhất hiện nay nhà ga còn phục vụ chính là tuyến Thành phố Đà Lạt - Trại Mát dài 7 km đưa du khách đến với Trại Mát và chùa Linh Phước. Ảnh: Phan Tấn Đạt

Cũng cần nói thêm, khi nhắc đến khái niệm đô thị di sản Đà Lạt, điều mọi người quan tâm chính vẫn là hệ thống kiến trúc. Nhưng, Đà Lạt không chỉ có kiến trúc, hay nói đúng hơn, những giá trị kiến trúc ấy tồn tại trong một không gian thiên nhiên và nhân văn. Như phân tích của GS-TS-KTS Hoàng Đạo Kính: “Chính tài nguyên thiên nhiên và quỹ kiến trúc đô thị vô song ấy đã thúc đẩy và gạn lọc ra một lối sống, có thể nói, một dạng văn hóa thị thành đặc trưng”. Tuy nhiên, ngay cả hệ giá trị này cũng đang bị bào mòn bởi nhiều lẽ, mà giá trị nhân văn là một khái niệm trừu tượng và cách bảo tồn hệ giá trị này phải là kiểu bảo tồn đặc biệt. Môi trường tự nhiên với hệ thống cảnh quan thiên tạo và quỹ công trình kiến trúc là những gì trực quan hiện hữu, còn mất rõ ràng, còn làm sao giữ được sự tiếp nối, không đứt mạch trong quá trình kế thừa nguồn “gien” văn hóa - con người của một đô thị đặc biệt là cách giữ lấy hồn cốt của di sản.

GS-TS-KTS HOÀNG ĐẠO KÍNH: “Đà Lạt là đô thị có ngày sinh tháng đẻ. Tôi đã đưa ra khái niệm về “đô thị di sản” - là đô thị qua các giai đoạn phát triển vẫn giữ được sự thống nhất, hài hòa trong hình thái đô thị và văn hóa đô thị. Song, nhìn vào toàn cảnh hôm nay, Đà Lạt không còn giữ được là mấy sự cân bằng, sự hài hòa hiếm hoi đã từng có nữa rồi…”

Ông Đoàn Văn Việt - Chủ tịch UBND tỉnh Lâm Đồng phát biểu trong một hội thảo: “Trước mắt, Đà Lạt cần bảo vệ và phát huy ba giá trị cốt lõi là giá trị về khí hậu cảnh quan thiên nhiên, quỹ di sản kiến trúc công trình và giá trị văn hóa - con người Đà Lạt. Sự tổng hòa các yếu tố cốt lõi này là cơ sở để xây dựng Đà Lạt thành đô thị di sản”. Cũng trùng quan điểm này, KTS Lê Tứ - Chủ tịch Hội KTS tỉnh Lâm Đồng bày tỏ: “Di sản là hồn cốt, không chỉ là vật thể”. Ông Lê Tứ lý giải, từ khi thành lập đến năm 1954, Đà Lạt được hiểu và nhìn nhận là một thành phố thuần Pháp, từ quy hoạch tổng thể, quản lý xây dựng, kiến trúc và quản lý xã hội theo mô hình Pháp không giống bất kỳ thành phố nào ở Việt Nam. Vị kiến trúc sư này cũng đưa ra sáng kiến là nên thành lập sớm Ban quản lý di sản đô thị Đà Lạt. Theo ông, ban này sẽ chịu trách nhiệm về việc quản lý nhà nước, quản lý tập trung mọi hoạt động phát triển đô thị liên quan đến di sản, là đầu mối cần thỏa thuận về kiến trúc - quy hoạch cho các dự án xây dựng trong khu vực di sản hoặc vùng lõi trung tâm đô thị lịch sử…


Những biệt thự cổ nằm thấp thoáng dưới rừng thông cổ thụ tạo cho Đà Lạt một không gian hiếm nơi nào có được, đó là cổ kính, thơ mộng và yên bình. Ảnh: Phan Tấn Đạt

Chính quyền địa phương cũng ý thức rõ điều đó và đã có những động thái hòng hướng tới bảo tồn những gì còn lại của hệ thống di sản kiến trúc. Quyết định số 47/2017/QĐ-UBND của UBND tỉnh Lâm Đồng (ngày 8 tháng 12 năm 2017) về “Ban hành Quy định bảo tồn, quản lý, sử dụng quỹ biệt thự thuộc sở hữu Nhà nước trên địa bàn thành phố Đà Lạt” là một văn bản có giá trị pháp lý cao nhất đến nay, khi tại quyết định này đã chia quỹ dinh thự, biệt thự thành các nhóm và ban hành những quy định cụ thể trong việc bảo tồn. Đà Lạt có thể trở thành đô thị di sản hay không, tùy thuộc vào nhiều yếu tố, nhưng chúng tôi dẫn ý kiến của ông Lê Quang Trung - Giám đốc Sở Xây dựng Lâm Đồng, như một sự khích lệ cho ý tưởng tốt đẹp này: “Sự hội tụ các giá trị văn hóa, cảnh quan thiên nhiên, di sản kiến trúc là những yếu tố cơ bản để Đà Lạt trở thành một thành phố di sản. Luật Di sản văn hóa hiện thời chỉ xác định đối với di sản văn hóa vật thể, phi vật thể, chưa có khái niệm về đô thị di sản. Tuy nhiên, trên cơ sở bảo tồn và phát huy giá trị di sản, cần được đánh giá qua các nghiên cứu khoa học làm cơ sở xây dựng các cơ chế, chính sách để bảo tồn và phát huy. Đó cũng là lý do để địa phương có thể đề xuất về hành lang pháp lý mở đường cho việc công nhận Đà Lạt là đô thị di sản trong tương lai…”

Uông Thái Biểu
baolamdong.vn
Share:

0 nhận xét:

Đăng nhận xét