Lôi cuốn Pú Đao

Phấn khích, ngỡ ngàng hay vội vàng chuẩn bị ống kính… là những trạng thái cảm xúc khác nhau của chúng tôi khi đặt chân tới đỉnh núi Pú Đao - điểm ngắm cảnh sơn thủy hữu tình thuộc xã Pú Đao, huyện Nậm Nhùn. Được ví như chốn bồng lai tiên cảnh, với bốn bề núi sông hội tụ mang đến cảm giác đất và trời như được nối liền. Miền đất vùng cao Pú Đao hoang sơ, thanh bình, những chủ nhân nơi đây bình dị và mến khách.

Chỉ tay vào những vết tích mờ nhạt còn xót lại, ông Giang A Lù, bản Nậm Đoong bồi hồi nhớ lại: Trước đây, có một sân bay dã chiến do người Pháp xây dựng ở đây với nhiều công sự bằng đá, nhưng giờ đã mai một, không còn mấy ai nhắc tới nữa. Du khách đến Pú Đao ngoài thăm thú những nét văn hóa đặc trưng hầu hết đều tìm đến đỉnh Pú Đao cao ngất kia, trên đó được ví như thiên đường. Cảm nhận được nắng ấm, gió, mây bay và ngắm dòng sông Đà quanh co, uốn lượn như dải lụa, ngút ngàn màu xanh của đại ngàn... Theo tiếng Mông, Pú Đao nghĩa là “điểm cao nhất”. Ông Lù cho biết thêm, trước kia người Mông nơi đây có câu nói truyền nhau "Không có đỉnh núi nào cao hơn đầu gối người Mông" - đó là khát vọng chinh phục những đỉnh núi cao và thể hiện tập quán thích sinh sống trên núi của người bản địa.

Năm 2006, hãng du lịch Gecko Travel (của Anh) bầu chọn Pú Đao là một trong 5 điểm leo núi hấp dẫn nhất Đông Nam Á với vẻ đẹp hoang sơ và thân thiện. Gecko Travel cho rằng: “Lợi thế của Pú Đao là chưa có nhiều du khách đặt chân tới. Nơi đây còn giữ được vẻ nguyên thủy của cảnh quan, sự chất phác của con người. Những cô gái Mông xinh đẹp trong đụm váy truyền thống dập dìu múa hát bên những chàng trai người Mông rắn rỏi say sưa ôm khèn, những đứa trẻ ngây thơ với đôi mắt sáng, to tròn hay e thẹn”. Trên trang web du lịch quốc tế gonomad.com, Siobhan McGeady cũng ca ngợi Pú Đao là một điểm đến đẹp bất ngờ và thân thiện. Thời điểm đó, khách đến du lịch Pú Đao sẽ leo núi đường dài đến thẳng bản Nậm Đoong, là một bản Mông có sức hút đặc biệt, độc đáo bởi những ngôi nhà được làm bằng gỗ, mái lợp bằng cỏ tranh, tập quán canh tác truyền thống, trang phục và bản sắc văn hóa còn thuần khiết. Tuyến đường mòn lên bản sẽ dẫn bước du khách qua những thung lũng chân mây, xung quanh bạt ngàn hoa dại và nương rẫy… Giờ đây, để thuận lợi cho đời sống bà con, bản Nậm Đong xưa đã di chuyển về gần trung tâm xã.

Dòng sông Đà êm đềm

Theo chân cán bộ kiểm lâm Quách Văn Thu - với kinh nghiệm gần 20 năm mòn gót trên các nẻo đường rừng, nhiệm vụ cao cả bảo vệ rừng cùng đam mê chinh phục những điểm cao đã níu giữ người cán bộ gắn bó với miền đất vùng cao Pú Đao khó khăn, xa xôi. Anh Thu tâm sự: Trước đây, muốn leo lên đỉnh Pú Đao phải đi bộ từ lúc trời còn mờ tối đến khi hoàng hôn mới lên tới đỉnh, mệt nhưng thú vị lắm, thành quả đạt được là lúc hoàng hôn, khi ấy ông mặt trời sắp lặn, tranh thủ tỏa những tia nắng cuối ngày nơi chóp núi, cùng với mây, gió và đại ngàn tạo nên khung cảnh đẹp đến mê người.

Hành trình leo núi của chúng tôi bắt đầu từ bản Nậm Đoong xưa, con đường mòn thêm thơ mộng với bạt ngàn nương nghệ trổ hoa trắng hồng xen kẽ những nương lê, nương xoài đang đua nhau đâm chồi nảy lộc, thi thoảng lại bắt gặp những khoảng hoa dại với đủ sắc màu. Từng đàn gia súc thung thăng gặm cỏ trong khung cảnh hoang sơ dưới cái nắng vàng tạo cảm giác rất đỗi thanh bình. Con đường mòn một bên là núi cao, một bên là vực sâu, có những đoạn đường dốc thẳng đứng, chúng tôi phải kéo tay nhau mới qua nổi, càng lên cao không gian liên tục thay đổi theo sự quanh co của cung đường. Đặt chân lên điểm cao nhất ở Pú Đao mới cảm thấy ý nghĩa thực sự của hành trình, cảnh sắc bao la, hùng vĩ với bốn bề núi sông hội tụ.

Từ điểm này nhìn xuống phía Đông và 2 bên Đông Nam, Đông Bắc, dòng sông Đà chảy từ Tây Bắc hòa với dòng Nậm Na tạo nên một ngã 3 sông huyền thoại với những địa danh như: Lai Hà, Hang Tôm, Đồi Cao, Mường Lay, Lê Lợi, dòng sông cắt ngang 2 dãy núi tạo thành một chữ V rất lớn. Người dân bản địa cho biết: Trong một năm, có vài ngày mặt trời mọc từ chính giữa chữ V đó. Lúc ấy, mặt trời thấp hơn so với những dãy núi xung quanh tạo thành cảnh tượng kỳ thú, phía trên còn mờ tối mà phía dưới đã sáng lấp lánh. Những ngày còn lại trong năm, bình minh nơi đây hấp dẫn khi những tia nắng đầu tiên ló rạng từ lưng chừng núi, xuyên qua màn sương giăng mây phủ, xuyên thẳng xuống mặt sông Đà lấp lánh.

Đứng trên điểm cao nhìn chếch về phía bên trái là dòng Nậm Na, là những cánh đồng trù phú, màu mỡ của xã Chăn Nưa. Nhìn sang phía bên phải là hướng về ngọn nguồn dòng Đà Giang, công trình Thủy điện Lai Châu sừng sững mà uy nghi. Bắt đầu phía bên trái điểm cao có một dãy núi thoải xuôi theo hướng sông Đà rồi bất ngờ thẳng đầu vươn dậy, nhìn như một chú chim đại bàng với chiếc đầu dũng mãnh. Nhìn nghiêng từ bên phải quả núi, toàn cảnh như một chú hổ ngồi canh gác. Hướng mà cánh chim đại bàng che chở (hay chú hổ ngồi canh) chính là di tích khi xưa Vua Lê Thái Tổ khắc bia tạc vào sử sách, hội tụ linh khí đất trời, đánh dấu chủ quyền lãnh thổ của Tổ quốc. Quả đúng như lời đồn, một thiên đường trong mơ, trong khung cảnh đẹp mê ly ấy, chúng tôi quây quần bên mâm cơm bằng lá rừng với lương khô, nồi cơm nóng mà sậm sật vì thiếu nhiệt, cá khô và nước lọc nghe bà con kể những câu chuyện thời xưa, khi người Mông sông sáo khai hoang ruộng nước, chinh phục những đỉnh núi cao.

Nói về du lịch ở Pú Đao, Chủ tịch UBND xã Chá A Thứ cho biết: “Pú Đao có 98% là người Mông, người dân nơi đây chất phác và mến khách. Bà con thường nhường du khách chủ động làm quen rồi mới ân cần đón tiếp. Từ trước tới nay, đa phần bà con trong xã đều cho du khách nghỉ lại mà không lấy phí, khách du lịch rất thích thú và phấn khích mỗi khi có dịp tới thăm, tuy nhiên lượng khách đến với Pu Đao còn ít”.

Những năm gầy đây, nhà nhà chung tay cùng các cấp chính quyền xây dựng nông thôn mới, cơ sở hạ tầng được xây dựng đồng bộ hơn, những ngôi nhà kiên cố, khang trang thi nhau mọc lên, những con đường trải bêtông nối tới các bản. Đời sống vật chất, tinh thần của bà con được nâng lên, người dân thi đua phát triển kinh tế, giữ vững an ninh trật tự, các nét văn hóa truyền thống được lưu giữ cùng với việc người dân tích cực trồng và giữ rừng đã giúp Pú Đao giữ được nét độc đáo của một xã vùng cao xa xôi.

Chia tay Pú Đao, chúng tôi không thể nào quên những cái ôm thật chặt của bà con người Mông bản sứ, cái bắt tay lưu luyến không nỡ rời của những cán bộ kiểm lâm, hẹn Pú Đao thơ mộng mà thanh bình một ngày gần nhất.

Tuấn Hùng
baolaichau.vn
Share:

0 nhận xét:

Đăng nhận xét